Thành tựu và hạn chế RATP

Năm 2001, "RATP France" được thành lập để bảo đảm sự thông suốt cũng như đảm bảo tính nội bộ của các hoạt động liên quan tới các hợp đồng giữa RATP và STIF cũng như các hoạt động phát triển khác.Tháng 1, năm 2002, RATP và Ngân hàng quốc gia CDC (Caisse des dépôts et consignations) đã ký bản thỏa thuận hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển trong các hoạt động thuộc lĩnh vực giao thông vận tải tại Pháp và quốc tế. RATP cũng đã tham gia ký Hiệp ước Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp.

Dưới nhãn hiệu RATP France, RATP Développement đã tham gia với tư cách là ban quản lý, thực hiện, hỗ trợ kỹ thuật vào nhiều dự án phát triển các vùng đô thị Pháp như: Mulhouse, Clermont-Ferrand, Annemasse, Chelles, Saint-Quentin-en-Yvelines... RATP France đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, giám định các mạng lưới giao thông, các điểm trung chuyển, liên thức giao thông và các dự án giao thông khác nhau.

RATP đã sáng lập ra công ty XELIS (một công ty chuyên tư vấn - nghiên cứu áp dụng kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông và cơ sở hạ tầng), cũng như đáp ứng yêu cầu của STIF để trở thành đơn vị thực hiện các dự án giao thông vùng Ile de France.

Công ty cũng tham gia cùng Cơ quan hỗ trợ dân sự quốc gia (Fédération nationale de protection civile - FNPC) để đào tạo và cấp Chứng chỉ đào tạo sơ cứu trên đường. Ngoài ra, Hiệp hội cấp cứu viên RATP cũng được thành lập và sáp nhập vào FNPC.

Hiện nay, một trong những vấn đề lớn của ngành giao thông công cộng Pháp nói chung và của RATP nói riêng, ngoài việc trễ giờ (đặc biệt trên các tuyến RER), là vấn đề đình công. Hệ thống RER, métro và buýt luôn bị đình trệ một phần hay hoàn toàn nhiều lần mỗi năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người sử dụng. Dần dần, các cuộc đình công ngày càng ít đi nhưng thời gian mỗi cuộc đình công lại kéo dài hơn. Điều đó có nghĩa là có thể có những tuyến giao thông công cộng bị đình trệ hoàn toàn trong một thời gian thay vì chỉ giảm đến mức tối thiểu tần suất các chuyến phục vụ như trước đây. Năm 2001, thống kê cho thấy trung bình có khoảng 0.2 ngày đình công trên mỗi nhân viên RATP mỗi năm [4]. Vấn đề này có ảnh hưởng lớn tới kinh tế và lợi tức của cả vùng Ile de France khi một phần lớn dân số cả vùng phụ thuộc vào RATP. Và khái niệm dịch vụ tối thiểu (những người làm dịch vụ xã hội phải đáp ứng được mức phục vụ tối thiểu trong thời gian diễn ra đình công) không được tất cả các công đoàn chấp nhận và rằng những người sử dụng dịch vụ này không được coi là khách hàng mà chỉ là người sử dụng. Sự bất đồng quan điểm giữa công đoàn và công ty cũng như trong nội bộ các công đoàn khiến cho tình trạng đình công vẫn luôn tiếp tục diễn ra.

Các panô, áp phích quảng cáo trong các bến métro Paris đã đem lại cho RATP những khoản thu khá lớn để trang trải cho việc bảo dưỡng sửa chữa, nâng cấp cơ sỏ hạ tầng và chất lượng phục vụ. Song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại sự tranh cãi về việc chống lại việc những quảng cáo xuất hiện trong métro. Những người theo phe chống quảng cáo đã có những hành động như bóc dỡ những tấm quảng cáo hay sơn vẽ lên trên những áp phích quảng cáo đó.

Bên trong bến chờ métro Jussieu, tuyến số 10